Lượt xem: 390

Nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới

Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Do đó, 10 năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều hoạt động phù hợp với đặc điểm tại địa phương, giúp nông dân nâng cao thu nhập, hướng đến phát triển bền vững.

    Xác định xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành có tác dụng thiết thực, trở thành động lực thúc đẩy tiến độ thực hiện tại các địa phương như: triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; áp dụng thí điểm nhiều mô hình giống cây, con mới tại các địa phương để nông dân học tập kinh nghiệm và ứng dụng vào thực tế.


Nông dân tham quan cánh đồng lúa mẫu ở Thạnh Trị. Ảnh Thiện Hải

    Theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm và tổ chức sản xuất thuộc nhóm tiêu chí số III về kinh tế và tổ chức sản xuất. Trong đó, tiêu chí tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí cốt lõi, tạo điều kiện hoàn thành các tiêu chí còn lại trong nhóm tiêu chí này. Dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng, các cấp, các ngành và các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp, quan tâm hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể, chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kinh tế hợp tác tiếp tục được củng cố, nâng chất, đến nay trên địa bàn tỉnh có 19 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo quy trình VietGAP; 8 hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, VietGAP. Đa số sản phẩm từ các mô hình kinh tế tập thể này đều có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

    Đồng chí Lương Minh Quyết - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn 2010-2020, ngành Nông nghiệp luôn đạt mức tăng trưởng khá. Kết quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đạt nhiều thành tựu cả về quy mô và trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm, xuất khẩu ngày càng tăng. Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng. Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu, theo thứ tự ưu tiên: Tôm - cây ăn trái - lúa . Trình độ canh tác, năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Giá trị trên 1 đơn vị diện tích đến cuối năm 2018 đạt 175 triệu đồng/ha đất trồng trọt.

    Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 38,2 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so năm 2010 (18,5 triệu đồng/người/năm). Đặc biệt có những xã thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/người/năm như: Xã An Thạnh Nhất (huyện Cù Lao Dung); xã Liêu Tú (huyện Trần Đề) và có nhiều hộ có thu nhập cao, nhất là các vùng nuôi tôm, vùng trồng cây ăn trái. Hiện tại, đã có 54 xã đạt tiêu chí thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, toàn tỉnh hiện còn 16.075 hộ nghèo, giảm 3 lần so với năm 2008 (năm 2008 còn trên 47.000 hộ nghèo).

    Tuy thu nhập của người dân hiện nay được nâng cao hơn so với trước nhưng với tình hình thời tiết bất lợi, giá cả bấp bênh, dịch bệnh phát sinh thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của bà con nông dân. Đồng chí Phan Văn Sáu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ ra rằng, kinh tế nông thôn tuy có phát triển nhưng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, rủi ro cao. Ngoài ra, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hoá nông sản còn ít, thiếu bền vững. Hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế, nhiều nơi hoạt động kém hiệu quả.

    Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được tổ chức trong tháng 11 vừa qua, đồng chí Phan Văn Sáu đã đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, ngành chức năng tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cơ cấu sản xuất theo hướng khai thác tối đa lợi thế của từng vùng sinh thái; liên kết, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá hướng đến xuất khẩu, gắn với triển khai thực hiện tốt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nâng cao giá trị gia tăng của hàng hoá nông sản, thu nhập của người nông dân. Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế hợp tác, hợp tác xã; kêu gọi doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; thông qua doanh nghiệp mới có thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Thiện Hải


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 779
  • Trong tuần: 70,112
  • Tất cả: 11,864,139